Nhân dân Thái Bình có nhiều kỷ niệm, tình cảm đặc biệt sâu nặng với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 5 lần dành thời gian về thăm tỉnh và đều gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thái Bình cũng là địa phương đầu tiên đạt năng suất 5 tấn thóc/ha, cao nhất toàn miền Bắc.
Từ năm 2013, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã thống nhất chủ trương cho Thái Bình xây dựng công trình Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam. Sau thời gian triển khai thực hiện, “công trình đã hoàn thành với chất lượng cao về nội dung tư tưởng, kỹ thuật, mỹ thuật, như một biểu tượng cho niềm tin yêu, tình cảm kính trọng của giai cấp nông dân Việt Nam và nhân dân Thái Bình đối với Bác Hồ”.
Công trình được làm với chất liệu bằng đá xanh, nhóm tượng 13 nhân vật, trong đó Bác Hồ là nhân vật trung tâm với chiều cao tượng là 5,04 m, các nhân vật còn lại đại diện cho các thế hệ, người già, các cụ bô lão, trung niên, thanh niên và trẻ em nông thôn Việt Nam, có chiều cao trung bình là 4,6 m, đứng xung quanh tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhóm các mảng phù điêu có kích thước và vị trí cao nhất là 15,3 m, vị trí thấp nhất là 8,6 m; chiều dài tổng thể 108 m. Trong đó mặt trước thể hiện hình ảnh về nông thôn, nông dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước. Mặt sau thể hiện một số hình ảnh về hoạt động sản xuất làng nghề, hoạt động văn hóa và hình ảnh di tích đặc trưng của tỉnh Thái Bình.
Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam nằm trong quy hoạch công viên sinh thái, tại phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình.
Tổng diện tích công trình hơn 91 ha, bao gồm khu vực quảng trường, Đền thờ Bác Hồ, đường diễu hành, vườn cây xanh, hồ nước và các công trình phụ trợ.