Những anh hùng quê ta

Với cương vị là cán bộ Đoàn, tôi đã 5 lần được gặp các anh, các chị: Nguyễn Thị Chiên, Tạ Quốc Luật, Phạm Tuân. Khi làm cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng gặp lại anh Tuân, chị Chiên, anh Vũ Ngọc Nhạ, về quê gặp anh Bùi Quang Thận. Những cuộc gặp những anh hùng quê ta ấy thật lý thú, không bao giờ quên.

Đại đội trưởng Bùi Quang Thận (người cầm cờ) tại dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Gặp chị Nguyễn Thị Chiên: Lần đầu, năm 1953, tại hội nghị cán bộ đoàn toàn tỉnh, rồi Đại hội chống giặc bắt lính khu Tả ngạn, sau khi chị được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Tỉnh đoàn phát động “Học tập Nguyễn Thị Chiên, du kích Nguyên Xá, thừa thắng xông lên, phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ đánh mạnh, tiến tới giải phóng quê hương Thái Bình”. Thời chống Mỹ, năm 1973 gặp lại chị tại Đại hội “Ba sẵn sàng” miền Bắc lúc chị là sĩ quan tham mưu chính sách của Bộ Quốc phòng. Từ năm 1980 cùng sinh hoạt với chị trong Hội đồng hương Thái Bình tại Hà Nội. Năm 2000, đồng hương mừng thọ “thất tuần”, chị còn khỏe, vẫn phong độ như thời đánh Pháp. Chị cười vui: Trọn lời thề với dân, với nước, với quê hương yêu dấu Thái Bình.

Gặp anh Tạ Quốc Luật: Người Thái Bình, ai chẳng tự hào về Tạ Quốc Luật – người đã bắt tướng Đờ-cát-tơ-ri đầu hàng, giành toàn thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1964, anh về thăm quê xã Thụy Hải (Thái Thụy), tôi làm Bí thư Huyện đoàn Thụy Anh, được gặp anh, anh kể: “Chiều ngày 7/5/1954, đơn vị tôi vào Sở chỉ huy Mường Thanh, bắt Đờ-cát-tơ-ri, hắn đầu hàng, cả tập đoàn buông súng. Điện Biên Phủ bừng lên sức sống, toàn quân reo hò, phất cao cờ đỏ sao vàng. Pháp – ngụy – Âu – Phi lốc nhốc ra hàng. Vài hôm sau, ta dựng lại phim “Điện Biên toàn thắng”. Tôi hỏi anh: Anh phất cờ chiến thắng, thế ai bắt, ai hỏi cung Đờ-cát-tơ-ri? Anh cười: Kể chi tiết làm gì. Đại đội tôi bắt, tôi hỏi cung, chiến công chung, không của riêng ai cả. Lúc ấy, cả Điện Biên rợp trời cờ đỏ, cờ trong phim do đạo diễn Các-men. Người phất cờ, không chỉ kể một tên. Quang cảnh trong phim hoàn toàn chính xác. Khi đánh Pháp ở Điện Biên Phủ, anh là Đại đội trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Lúc vào hầm bắt Đờ-cát-tơ-ri, tổ của anh có 5 người: Luật, Vinh, Nhỏ, Hiếu, Nam. Anh biết tiếng Pháp, bắt Đờ-cát-tơ-ri đầu hàng, ra lệnh toàn mặt trận ngừng súng. Tạ Quốc Luật đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Anh mất năm 2003 tại Hà Nội.

Gặp anh Phạm Tuân: Phạm Tuân quê ở xã Quốc Tuấn (Kiến Xương), vào bộ đội năm 1963, là sĩ quan không quân Trung đoàn Sao Đỏ, Sư đoàn 371, lái máy bay MiG 17, rồi MiG 21. Trong “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không” bảo vệ Thủ đô Hà Nội, đêm 27/12/1972, anh đã dũng cảm, mưu trí bắn hạ máy bay B52 của Mỹ, được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cả tỉnh mừng đón anh. Cuối năm 1973, anh về quê, Tỉnh đoàn có cuộc gặp mặt, anh kể lại: Tôi đã vượt mọi hiểm nguy, chỉ một mục tiêu tìm máy bay thù bắn. Khi B52 lọt vào tầm ngắm, tôi báo cáo trung tâm, chờ lệnh chỉ huy. Có lệnh là tên lửa lao đi, cả bầu trời bừng lên rực lửa. Trung tâm chỉ huy báo tin mừng rỡ: MiG Phạm Tuân đã bắn tan xác thần sấm Mỹ rồi.

Năm 1980, tôi gặp lại anh tại Thủ đô Hà Nội, anh cùng với Go-rơ-bát-cô trên tàu Chào mừng 6, Liên hợp 36, Liên hợp 37 (Liên Xô) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bay nghiên cứu khoa học về vũ trụ từ ngày 24/7/1980 đến ngày 31/7/1980, được Nhà nuớc ta tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động, Xô-viết tối cao Liên Xô phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Tôi gặp anh khi anh đến báo cáo Trung ương, nói chuyện với cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng. Anh nói nhiều chi tiết trong công trình nghiên cứu vũ trụ, đặc biệt là từ vũ trụ nhìn về Tổ quốc ta vô cùng tươi đẹp. Anh nói: Chúng ta có thể bay cao, bay xa hơn nữa, vì Tổ quốc Việt Nam, vì thế giới hòa bình.

Gặp anh Vũ Ngọc Nhạ: Anh Nhạ nguyên là Thị ủy viên Thị ủy Thái Bình, năm 1954 được Đảng và quân đội giao nhiệm vụ vào Nam hoạt động tình báo. Anh đã làm “con chiên, thầy tu” của cha Lê, Giáo xứ Ninh Bình, “tham gia” quân đội Pháp, vào Nam làm “cố vấn” cho Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm. Trong lần đến Văn phòng Trung ương Đảng, anh kể chuyện, anh có nhiệm vụ vào dinh tổng thống chính quyền Sài Gòn nắm âm mưu chiến lược của địch, tìm cách đánh địch từ trong trứng nước. Hoạt động đơn tuyến, một người chỉ huy là Đảng; tin đưa ra bằng mật mã giấu tên; không lạc quan, khi cách mạng bùng lên, không mất tinh thần, khi tạm thời thất bại, tranh thủ được năm phe, bảy phái, không mất lòng tôn giáo nọ kia, tìm cách làm quen chính khách Mỹ, Pháp, Anh, Nhật Bản. Phải khôn ngoan chọn thời cơ kết bạn, không để kẻ thù ngờ người của Việt cộng. Gặp khó khăn, tình thế hiểm nguy, nằm im giấu mình, coi như đã chết. Đã mấy lần địch đưa anh đi biệt tích lên Tây Nguyên, ra Phú Quốc, Côn Sơn rồi lại về với Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương. Năm 1975, anh về với Đảng… Bằng những tin tức tình báo chiến lược, anh đã góp phần to lớn vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Anh được phong quân hàm thiếu tướng.

Gặp anh Bùi Quang Thận: Người Thái Bình, ai cũng tự hào về Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng xe tăng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Binh đoàn Hương Giang, cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập kết thúc 30 năm chiến tranh, giành toàn vẹn non sông. Tôi mong muốn được gặp anh nhưng phải đến năm 2002, sau khi anh nghỉ hưu về quê tôi mới được gặp anh trên đầm nuôi tôm xã Thụy Xuân (Thái Thụy). Anh kể lại, vào bộ đội, anh được đào tạo làm chiến sĩ lái xe tăng. Năm 1972, vào mặt trận Quảng Trị, bị thương, mất 37% sức khỏe, anh tiếp tục rèn luyện và đủ sức chiến đấu trong các trận chiến sau này, đặc biệt là các chiến dịch Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh… Tôi hỏi anh về giờ phút cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh vào dinh Độc Lập: Có nổ súng không? Cắm hay kéo cờ trên nóc dinh Độc Lập? Anh Thận kể: “Tăng vượt cầu Sài Gòn rất gấp, biệt động thành chỉ đường vào dinh lũy ngụy quyền. Không nổ súng, tôi lên thẳng tầng trên, cắt dây, hạ cờ ngụy, kéo cờ giải phóng. Sau đó, chỉ trong chớp nhoáng, từ mọi ngả đường, bộ đội ta kéo về, lên lan can, tầng gác cắm cờ, chính quyền Sài Gòn đầu hàng quân giải phóng. Cờ đơn vị tôi là cờ chiến thắng, tôi ký tên Bùi Quang Thận vào góc cờ…”. Sau này, anh được phong quân hàm Đại tá. Anh mất năm 2012, được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hạnh phúc cho tôi và cũng do môi trường công tác, Bí thư Huyện đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn rồi Vụ trưởng tại Văn phòng Trung ương Đảng, tôi đã được gặp các anh, các chị những người con yêu dấu của quê hương Thái Bình, những nhân vật lịch sử của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; anh Phạm Tuân còn là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ nghiên cứu khoa học “Vì Tổ quốc Việt Nam, vì thế giới hòa bình”. Các anh, các chị mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân, của thế hệ trẻ Thái Bình.

Bài viết liên quan
G

0879.555.655